Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sự cần thiết và vai trò của việc nêu gương đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nêu gương được Người coi là một trong những cách thức quan trọng để cán bộ, đảng viên phát huy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Tư tưởng đó của Người có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước Nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ”.
Nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể hằng ngày, với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo Bác”. Đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cương vị càng cao càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để nhân dân noi theo; phải thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, tư tưởng đúng đắn, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể…
Nêu gương là đề cao “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, nâng cao tính cảnh tỉnh, răn đe đối với những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực; đồng thời, khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.
Đảng ta luôn coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mới đây nhất, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9-5-2024, của Bộ Chính trị, về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên. Qua đó, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ Sở KHCN trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, phát huy trách nhiệm tự giác, tích cực nêu gương của cán bộ, đảng viên trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, cần tiếp tục vận dụng và thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như sau:
Một là, Trách nhiệm trong công tác, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị: Phải chủ động trong triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tinh thần “7 dám”: “”Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.”. Nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm".
Hai là, cần nêu cao trách nhiệm nêu gương về tư tưởng chính trị: phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Ðảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phải nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú.
Ba là, Trách nhiệm trong ý thức tổ chức kỷ luật: Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong cơ quan, đơn vị. Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của cơ quan.
Bốn là, Trách nhiệm trong quan hệ với Nhân dân, trong đó, nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với Nhân dân và cán bộ dưới quyền, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Năm là, Trách nhiệm đối với đoàn kết nội bộ; hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng trong cơ quan; công tâm với cán bộ dưới quyền; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ và trong Nhân dân.
Sáu là, Phải biết biết tự phê bình, phê bình, trong đó, người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm; Trong quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu.
Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng là một trong những yêu cầu cấp bách và cần thiết để Đảng ta luôn phát triển vững mạnh. Thực hiện nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của cán bộ, đảng viên đối với chính mình và đối với toàn Đảng, toàn dân. Cán bộ, đảng viên cần đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và trở thành nếp văn hóa của mỗi người. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay đang thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần cách mạng, gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Sở KHCN phải là những người tiên phong gương mẫu thực hiện công cuộc đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo và CĐS QG; góp phần xây dựng ngành khoa học và công nghệ Lào Cai phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Thị Thu Hằng