Lào Cai 24° - 25°
LÀO CAI 20 NĂM TÁI LẬP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN ( 1991- 2011), NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

        Cơ quan thực hiện: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

        Thời gian thực hiện: Từ 7/2012-12/2014 
        
Kết quả xếp loại: Xuất sắc  

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ     

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, công cuộc đổi mới của đất nước đạt được nhiều thành tựu quang trọng. Lào Cai tiếp tục sự nghiệp đổi mới xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn do lịch sử để lại. Sau hơn 20 năm với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Lào Cai đã từng bước giải quyết những khó khăn đưa nền kinh tế, xã hội của địa phương phát triển một cách toàn diện, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nền kinh tế, xã hội của Lào Cai qua hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới còn nhiều mặt yếu kém, bất cập cần sớm được khắc phục. Vì vậy việc nghiên cứu tổng kết lí luận và thực tiễn qua 20 năm tái lập, đổi mới và phát triển (1991-2011), để từ đó đề ra những giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của Lào Cai trong xu thế hội nhập là cần thiết.

 

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP.  

1. Mục tiêu: 

- Khẳng định những thành tựu và hạn chế của công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của Lào Cai từ khi tái lập tỉnh cho đến năm 2011;

- Tổng kết một số vấn đề lí luận và thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm từ những thành tựu và hạn chế của Lào Cai sau 20 năm tái lập, tiếp tục sự nghiệp đổi mới; khẳng định sự vận dụng sáng tạo đường lổi đổi mới vào thực tiễn địa phương của Đảng bộ Lào Cai.

- Đề xuất phương hướng và một số giải pháp chủ yếu góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh Lào Cai  đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

          -  Làm rõ cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn cho việc đề ra đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh trong thời kì đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phấn đấu xây dựng Lào Cai thành một trung tâm kinh tế, văn hoá  giàu mạnh ở vùng Tây Bắc .

2. Nội dung:

- Trình bày những yếu tố tác động đến công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh Lào Cai; trình bày và làm rõ quá trình chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của Lào Cai từ khi tái lập tỉnh cho đến năm 2011 gắn với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ và chính quyền Lào Cai;

- Nghiên cứu những vấn đề lí luận và thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm từ những thành tựu và hạn chế của Lào Cai sau 20 năm tái lập, tiếp tục sự nghiệp đổi mới; làm rõ sự vận dụng sáng tạo đường lổi đổi mới vào thực tiễn địa phương của Đảng bộ Lào Cai

- Nghiên cứu lí luận, điều tra, phỏng vấn, điền dã, khảo sát thực tế, phát hiện những vấn đề đặt ra, đưa ra định hướng, giải pháp phát triển toàn diện, bền vững của địa phương đến năm 2030.

3. Phương pháp nghiên cứu 

- Phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về phép biện chứng duy vật; Về lý luận nhận thức   

- Phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgic: Thể hiện được tính hệ thống theo thời gian về sự chuyển biến toàn diện của Lào Cai trong phạm vi không gian như đã xác định; nhìn nhận một cách tổng quát những vấn đề đã trình bày trong mối quan hệ tác động lẫn nhau, từ đó rút ra những nhận xét, đánh giá về quá trình chuyển biến về mọi mặt, đồng thời nêu được khuynh hướng phát triển đi lên của Lào Cai trong công cuộc đổi mới..

- Phương pháp điều tra, điền dã, phỏng vấn nhằm thu thập thông tin làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng những giải pháp trên các lĩnh vực. 

- Phương pháp tổng hợp, thống kê, định lượng, so sánh, phân tích  nhằm đánh giá, làm nổi bật sự phát triển trên các lĩnh vực.

- Phương pháp chuyên gia nhằm bổ sung, hoàn thiện những nội dung trình bày trong đề tài.

- Phương pháp dự báo, trên cơ sở thực tiễn (kết quả đạt được, tiềm năng, lợi thế của địa phương, tình hình thế giới trong nước; những hạn chế, khó khăn, thách thức) đưa ra triển vọng phát triển của địa phương đến năm 2030.

 

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU. 

1. Đường lối đổi mới của Đảng và sự vận dụng của Đảng bộ Lào Cai qua các kì đại hội từ 1991 đến 2011 

Đại hội VI đánh dấu một bước ngoặt, tạo “bước đột phá lớn và toàn diện” trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung và phát triển tại Đại hội VII (6/1991), Đại hội VIII (6/1996), Đại hội IX (4/2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011). 

Xuất phát từ tình hình cụ thể của địa phương, quán triệt Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, qua 5 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã đề ra chủ trương phát triển toàn diện trên các lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc bằng việc thể hiện rõ quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, các chương trình, hành động.

2. Kinh tế Lào Cai qua 20 năm đổi mới (1991- 2011) 

2.1. Chủ trương của Đảng bộ Lào Cai về phát triển kinh tế:

Đại hội Đảng bộ Lào Cai lần thứ X (1992) đã đề ra phương châm chỉ đạo: Tạo sự chuyển biến rõ nét về Kinh tế - Xã hội; khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển Kinh tế - Xã hội, giải quyết ngày càng tốt hơn đời sống nhân dân.

Đại hội Đảng bộ Lào Cai lần thứ XII, XIII để ra đường lối phát triển kinh tế từ năm 2001 đến năm 2010: Đẩy mạnh đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp nông thôn, tiếp tục đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng; phát huy tối đa nội lực, coi trọng và sử dụng có hiệu quả ngoại lực; tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế; Công - nông - lâm nghiệp - du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Lào Cai lần thứ XII, XIII và XIV được cụ thể hóa bằng 7 chương trình trọng tâm với 27 đề án và các nghị quyết chuyên đề, các quyết định.

2.2. Quá trình phát triển kinh tế của tỉnh:

Từ năm 1991 đến năm 2011, nền kinh tế tỉnh Lào Cai có bước phát triển liên tục. Qua hai giai đoạn kế tiếp nhau, có thể thấy 10 năm đầu, nền kinh tế của Lào Cai được khôi phục và phát triển không chủ yếu theo diện rộng. Trong 10 năm tiếp theo kinh tế phát triển nhanh hơn 10 năm trước đó thể hiện về trên cả về qui mô và tốc độ tăng trưởng phát triển không chỉ theo  diện rộng mà còn theo chiều sâu, cao hơn hẳn so với 10 năm trước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nền kinh tế Lào Cai cũng còn những yếu kém có thể nhận thấy. Tăng trưởng kinh tế chưa đủ đưa Lào Cai ra khỏi tỉnh nghèo của cả nước. Tốc độ tăng trưởng dù  có cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu thế tích cực, nhưng với quy mô của một nền kinh tế vốn nhỏ bé, thì tốc độ tăng trưởng và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế như vậy là chậm để có thể rút ngắn khoảng cách phát triển với nhiều địa phương trong cả nước và trong vùng. Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng chậm, công nghiệp, TTCN tỉnh Lào Cai chưa thoát khỏi tình trạng nhỏ bé, phân tán và kĩ thuật lạc hậu, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Lào Cai còn thấp kém. Thương mại, dịch vụ và du lịch của Lào Cai chưa phát huy được những tiềm năng lợi thế của tỉnh. Thu ngân sách trên địa bàn Lào Cai còn hạn chế, tỷ lệ thu từ trợ cấp Trung ương còn cao hơn so với mức thu ngân sách địa phương. Chi ngân sách địa phương còn mất cân đối giữa mức chi và cơ cấu chi, bội chi còn lớn, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn thấp.  

3. Văn hóa, xã hội 

Qua 20 năm tái lập, văn hóa và các lĩnh vực xã hội Lào Cai có bước chuyển biến tích cực. Giáo dục Lào Cai qua 20 năm (1991-2011)  có bước phát triển vươt bậc, biểu hiện ở sự mở rộng về quy mô trường lớp, đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường về đội ngũ nhà giáo; chất lượng giáo dục được nâng lên,tạo nền tảng cho việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là những nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất đã từng bước đưa khoa học, công nghệ  trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; tác động đến các lĩnh vực vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh.  Công tác y tế, dân sô, gia đình đã có tiến bộ. Văn hóa, thể thao Lào Cai đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã. Giao lưu văn hóa giữa các địa phương tring trong, giữa Lào Cai với các vùng miền trong cả nước, với quốc tế được mở rộng, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân dịa phương được nâng cao. Công cuộc  XĐGN tỉnh Lào Cai đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao, biên giới, cơ sở hạ tầng phát triển với tốc độ cao, đời sống của người dân được nâng lên. Tỷ lệ nghèo của tỉnh Lào Cai giảm nhanh, chênh lệch về tỷ lệ nghèo giữa vùng thấp và vùng cao thu hẹp dần, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số cũng giảm dần. Thu nhập và mức sống được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống bảo hiểm mở rộng đến các đối tượng đã tạo ra mạng lưới an toàn xã hội cho cả những người yếu thế. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn với các dịch vụ công. Công tác định canh định cư đạt được kết quả bước đầu, từng bước ổn định đời sống nhân dân vùng cao, vùng khó khăn, biên giới. Công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai coi trọng góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Những thành tựu trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối đổi mới của đất nước.

4. Công tác xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị 

Đảng bộ Lào Cai đã đề ra định hướng về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới,  nội dung và phương thức hoạt động, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và vai trò của các đoàn thể nhân dân; Phát huy vai trò chi bộ đảng cơ sở thực sự là hạt nhân lãnh đạo, phấn đấu để xóa dần tình trạng các thôn bản không có đảng viên, sắp xếp lại tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; định rõ các mối quan hệ trong hệ thống chính trị. Đổi mới về cơ bản đội ngũ cán bộ theo hướng kế thừa và trẻ hóa.  Giữ vững kỷ cương, phát huy dân chủ, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và trong nhân dân các dân tộc. 

Công tác chính trị của Đảng bộ đã thể hiện rõ sự vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào địa phương bằng việc nghiên cứu  ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án, phù hợp để lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị, tạo ra những đột phá mới. Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 3 khóa gần đây đề ra 7 Chương trình công tác trong tâm với các đề án cụ thể trong triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ không chỉ có ý nghĩa tạo ra bước phát triển của tỉnh trong từng nhiệm kỳ đại hội mà còn có ý nghĩa về công tác lý luận, công tác tư tưởng. Việc giáo dục lý luận chính trị được đổi mới về phương pháp và bảo đảm toàn diện về nội dung. Cùng với giáo dục lý luận, Đảng bộ coi trọng công tác nghiên cứu và giáo dục lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng bộ, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có thể thấy qua 20 năm tái lập tỉnh (từ năm 1991 – 2011) đặc biệt 3 nhiệm kỳ XII, XIII, XIV, công tác xây dựng Đảng của đảng bộ Lào Cai không ngừng được đổi mới, tạo ra bước chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực.

IV. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

1. Kết luận 

 Trước thực trạng nền kinh tế lại chậm phát triển, kết cấu hạ tầng xuống cấp, trình độ dân trí, đời sống đồng bào các dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng đói nghèo diễn ra gay gắt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Nhờ vậy, nền kinh tế, chính trị, văn hóa và mọi mặt xã hội của tỉnh Lào Cai có bước phát triển nhanh, toàn diện.  

Có thể thấy, sau 10 năm đầu khôi phục và ổn định tình hình trên các lĩnh vực, trong điều kiện có nhiều khó khăn do lịch sử để lại, từ năm 2001 đến năm 2011, tỉnh Lào Cai vừa tiếp tục phát triển theo diện rộng vừa tập trung phát triển theo chiều sâu nên tạo ra bước chuyển biến tích cực của nền kinh tế. Với sự nhạy bén, sáng tạo, quyết tâm cao, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lào Cai đã định hướng, xây dựng quy hoạch phát triển  kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Những quyết sách đúng đắn, phù hợp, kịp thời của bộ máy lãnh đạo tỉnh đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó phát huy được nội lực, thu hút được ngoại lực phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, từ năm 1991 đến năm 2011, đặc biệt trong những năm 2001 – 2011, tỉnh Lào Cai đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục ngay cả khi nền kinh tế thế giới khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại. Các ngành kinh tế phát triển vượt bậc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm và tăng giá trị kinh tế của hàng hoá. Chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng bộ và chính quyền Lào Cai, trên cơ sở vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường trên địa bàn tỉnh. Sức sản xuất được giải phóng, các nguồn lực được huy động và sử dụng có hiệu quả đã tạo ra sức cạnh tranh - động lực của tăng trưởng của nền kinh tế, từ đó sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được khơi dậy. Cơ cấu thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu. Theo đó, kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể tuy vẫn giữ được vai trò chủ đạo nhưng tỷ trọng trong GDP giảm dần, tỷ trọng kinh tế cá thể, tư nhân tăng lên và phát huy được vai trò động lực của nền kinh tế địa phương.    

 Về mặt xã hội, trong những năm 1991 - 2011, sự phát triển nhanh của nền kinh tế đã đưa tỉnh Lào Cai dần thoát ra khỏi tỉnh nghèo vì vậy mà tất cả các mặt trong đời sống xã hội của người dân trong tỉnh đều được cải thiện và nâng cao. Trong đó đáng kể nhất là các mặt giáo dục, ytế, việc làm, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần. Kinh tế phát triển tạo “giá đỡ” cho việc thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, ở vùng cao, vùng khó khăn nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với hệ thống dịch vụ công. Bộ mặt nông thôn tỉnh Lào Cai thay đổi theo hướng văn minh với hệ thống điện, đường, trường, trạm được mở rộng đến thôn, bản vùng cao, biên giới.  

 Hệ thống chính trị được xây dựng và không ngừng đổi mới đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới về lãnh đạo, điều hành, tổ chức triển khai thưc hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khối đoàn kết trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân được xây dựng; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội đã tạo sức mạnh và môi trường thuận lợi cho công cuộc đổi mới được thực hiện một cách toàn diện ở một tỉnh miền núi, biên giới có điểm xuất phát thấp, có nhiều khó khăn. 

 Mặc dù  phát triển nhưng nhìn chung kinh tế tỉnh Lào Cai vẫn chưa tạo ra được những bước đột phá mạnh mẽ. Tuy có sự tăng trưởng nhanh, liên tục nhưng mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai vẫn chưa thoát khỏi thực trạng chung của cả nước, đó là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công, mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, thiếu sự cân đối trong giải quyết các mối quan hệ liên ngành, không khai thác được các thế mạnh về lợi thế hay tài nguyên cho tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. So với quy mô tăng trưởng về GDP, thì thu nhập bình quân, đóng góp về thu ngân sách, xuất khẩu hàng hóa và các đóng góp khác vẫn còn thấp, hàng năm tỉnh Lào Cai vẫn còn phải nhận sự hỗ trợ lớn từ Trung ương.   

 Tỉnh Lào Cai chưa thực sự dựa trên những lợi thế hay thế mạnh mang tính đặc thù để phát triển thành những lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, sự phát triển lại không đồng bộ giữa các yếu tố có liên quan với nhau. Lợi thế của Lào Cai đặt ra cơ hội cho sự phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức trong sự cạnh tranh để phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức trong sự cạnh tranh để phát triển ổn định. Chính vì vậy có thể nhận xét rằng, tỉnh Lào Cai sau 20 năm tái lập có bước phát triển nhất định nhưng vẫn đang tiềm ẩn tình trạng “ tắc nghẽn” trong phát triển nhanh và bền vững. Các chỉ số về phát triển xã hội chưa cao, chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Mức thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ bác sỹ/100 dân, mặt bằng trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp hơn so với mức chung của cả nước. Đến năm 2011, tỉnh Lào Cai vẫn là một trong ba tỉnh có tỷ lệ nghèo cao của cả nước. Mặt trái của nền kinh tế thị trường còn đặt ra nhiều vấn đề kinh tế cũng như về xã hội cần tiếp tục khắc phục giải quyết. 

Từ lý luận và thực tiễn chuyển của tỉnh Lào Cai sau 20 năm tái lập đổi mới và phát triển (1991-2011), cho thấy tuy còn những khó khăn, thách thức nhưng thành tựu trên các lĩnh vực mà tỉnh Lào Cai đã đạt được đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sự vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của địa phương của Đảng bộ tỉnh Lào Cai là sáng tạo, phù hợp. Những thành tựu đạt được trong  20 năm của tỉnh Lào Cai đã góp phần ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới, góp phần tạo cơ sở cho Lào Cai có đà để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo. Với tiềm năng, lợi thế của mình, với quyết tâm cao của toàn Đảng và nhân dân tỉnh Lào Cai, cùng với chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, điều kiện thế giới và trong nước thuận lợi, tỉnh Lào Cai có thể phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm kinh tế, xã hội của toàn vùng, khẳng định vị thế mới của một tỉnh miền núi, biên giới trong xu thế hội nhập.

2. Kiến nghị 

 Áp dụng các cơ chế ưu đãi cao nhất đối với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tạo điều kiện phát triển trở thành Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, là hạt nhân tăng trưởng của cả nước. Trong đó có việc phối hợp phía Trung Quốc xây dựng Khu kinh tế xuyên biên giới với những cơ chế đặc thù để khu này thực sự là hạt nhân thúc đẩy mạnh mẽ hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai -  Hà Nội – Hải Phòng.

 Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, nâng cấp, mở rộng đô thị Sa Pa, đáp ứng các yêu cầu phát triển Sa Pa thực sự là trọng điểm về du lịch của quốc gia – khu du lịch đẳng cấp quốc gia, quốc tế. 

        Tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách thực hiện chế biến sâu các loại khoáng sản chủ lực của Lào Cai như Sắt, Đồng, Apatite; quy hoạch các khu công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ từ nguồn nguyên liệu lợi thế sau chế biến khoáng sản. Tiếp tục quan tâm với nhiều cơ chế phù hợp để đầu tư, hoàn thiện nâng cấp hệ thống đường sắt đạt chuẩn quốc tế kết  nối với đường sắt của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sân bay, hệ thống đường giao thông đối ngoại, giao thông kết nối các tỉnh trong vùng… 

        Có quy hoạch và tạo khung pháp lý chỉ đạo và thực hiện liên kết phát triển vùng về kinh tế, xã hội. Để tạo điều kiện là trung tâm sản xuất các loại giống cây trồng, dược liệu quý của vùng và cả nước, đề nghị quy hoạch và xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao. Có chính sách đầu tư và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt đối với rừng Quốc gia Hoang Liên; coi việc bảo vệ, phát triển rừng  là hoạt động kinh tế mang lại giá trị cao, tính đúng, đủ chi phí bảo đảm cho người lao động tham gia bảo vệ và phát triển vốn rừng có thu nhập ổn định, nâng cao mức sống và trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng. Có chính sách đủ mạnh để sắp xếp dân cư nội địa, dân cư biên giới bảo đảm thích ứng biến đổi khí hậu, ổn định dân cư biên giới.                                     

       Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các mục tiêu về an sinh, phúc lợi xã hôi, phát triển kinh tế - xã hội. Ban hành chính sách khuyến khích tinh thần tích cực, tự chủ vươn lên thoát nghèo của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số và các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

       Đề nghị tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi kịp thời các chính xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và có những chính sách phù hợp với đặc điểm vùng miền. Khi xây dựng chính sách phải mở rộng dân chủ (nhất là đối với các đối tượng được trực tiếp thụ hưởng) và đồng thời tiến hành khảo sát thực tế để bảo đảm chính sách có tính khả thi. 

Nghiên cứu để cân đối, bố trí đủ, hợp lý các nguồn lực theo hướng một lĩnh vực chỉ giao cho một cơ quan chủ trì để thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là công tác định canh, định cư, đào tạo nghề, cải tạo một số tập tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.  

Có định hướng để Lào Cai chỉ đạo các giải pháp tăng cường các hình thức biên phòng đa dạng, phối hợp hành động chung giữa lực lượng biên phòng 2 bên, nhân dân trong các thôn bản 2 bên biên giới tạo thêm đoàn kết, hữu nghị, giao lưu hợp tác cùng có lợi; đồng thời bảo vệ vững chắc biên giới, lãnh thổ quốc gia./. 

Tin khác
1 2 3 4 
Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập