NGHIÊN CỨU CHỌN GIỐNG VÀ KỸ THUẬT TRỒNG THÂM CANH CÂY ĐA MỤC ĐÍCH TÁO MÈO – DOCYNIAINDICA WALL DECNE TẠI TỈNH LÀO CAI
Cơ quan thực hiện: Chi cục Kiểm lâm Lào Cai
Thời gian thực hiện: Từ 12/2011- 12/2013
Kết quả xếp loại: Khá
I. ĐẶT VẤN ĐỀ.
Cây Táo mèo ( tên khoa học Docynia indica Wall Decne ) là loài cây đa mục đích, khá quen thuộc với người dân vùng cao Lào Cai. Đây là loài cây gỗ nhỡ, có thể lấy quả, lấy gỗ, phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Ở Lào Cai, cây Táo mèo có phân bố tự nhiên ở một số huyện vùng cao như Sa Pa, Bát Xat, Văn Bàn, Bắc Hà và Mường Khương. Một số địa phương có trồng nhưng giống chưa được tuyển chọn, chủ yếu là trồng xen canh, quảng canh, năng suất thấp. Thực tế trong những năm qua người dân tại các xã vùng cao, nơi có cây Táo mèo phân bố bước đầu đã thấy được hiệu quả của loài cây này nên đã giữ lại các cây mọc tự nhiên và có mong muốn được chuyển giao kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản quả và đưa cây này vào cơ cấu cây trồng rừng. Từ đòi hỏicủa thực tiễn sản xuất, việc nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả là rất cần thiết.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP.
1. Mục tiêu:
- Điều tra, đánh giá được phân bố và khả năng phát triển của cây Táo mèo trên địa bàn tỉnh.
- Đánh giá, lựa chọn được giống Táo mèo có năng suất, chất lượng cao để đưa vào nhân giống.
- Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm phục tráng, nâng cao năng suất quả của diện tích rừng Táo mèo đã có nên ít nhất 20%.
- Xác định được các biện pháp kỹ thuật nhân giống thích hợp để tạo giống Táo mèo có năng suất, chất lượng quả cao, nhanh cho thu hoạch.
- Xác định được các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh để áp dụng vào xây dựng các mô hình trồng thực nghiệm tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
2. Nội dung:
- Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố cây Táo mèo, tình hình phát triển, chế biến bảo quản, thị trường tiêu thụ quả Táo mèo tại tỉnh Lào Cai
- Nghiên cứu các đặc điểm sinh học của cây (thân, cành, lá, hoa, quả và hạt) áp dụng biện pháp kỹ thuật phục tráng cây Táo mèo đã có nhằm nâng cao năng xuất quả.
- Nghiên cứu hoàn thiện về kỹ thuật chọn giống và nhân giống cây Táo mèo.
- Nghiên cứu kỹ thuật trồng thâm canh cây Táo mèo.
- Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm thâm canh cây Táo mèo.
3. Phương pháp nghiên cứu
- Thu tập thừa kế các số liệu đã có
- Phân tích đánh giá các đặc điểm nông sinh học của cây
- Điều tra tuyển chọn nguồn giống
- Nghiên cứu kỹ thuật trồng thâm canh
- Thử nghiệm xây dựng mô hình
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố cây Táo mèo, tình hình phát triển, chế biến bảo quản, thị trường tiêu thụ quả Táo mèo tại tỉnh Lào Cai
- Trên địa bàn tỉnh Lào Cai cây táo mèo phân bố tự nhiên ở các khu vực đồi núi có độ cao từ 600-2100 m so với mực nước biển thuộc các xã của huyện Sa Pa các xã vùng cao Nậm Pung, Trung Lèng Hồ, Dền Sáng, Y Tý của huyện Bát Xát, vùng núi cao của các xã Nậm Xé, Nậm Xây, Liêm Phú, Nậm Tha, Nậm Chày của huyện Văn Bàn. Ở các xã vùng cao của huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai tuy không còn cây Táo mèo phân bố tự nhiên trong rừng nhưng có nhiều cây được người dân mua từ các tỉnh Sơn La, Yên Bái về trồng từ những năm trước đến nay bắt đầu cho thu hoạch quả.
- Qua điều tra tại tỉnh Lào Cai Táo mèo ra hoa vào khoảng tháng 3, quả chín tháng 9-10. Do đó, mùa vụ khai thác chính của quả Táo mèo là tháng 9-10 khi quả Táo mèo bắt đầu chín rộ, mùa vụ thu hái Táo mèo chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng và kỹ thuật thu hái chủ yếu được người dân áp dụng là thu hái toàn bộ những quả Táo mèo trên cây (cả quả chín và những quả còn chưa chín) đem về để bán xô cho thương lái.
- Táo mèo được thu mua xô từ rừng tự nhiên do người dân thu hái, sau đó thương lái tiến hành phân loại quả theo kích thước và chất lượng, loại bỏ quả thối, cành, lá…rồi cho vào các thùng xốp bao tải vận chuyển bằng ô tô tới các nơi tiêu thụ. Táo mèo dùng chủ yếu để ngâm rượu Táo mèo, ngâm nước cốt, ngâm dấm.
- Khả năng tiêu thụ quả Táo mèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai là rất lớn, mỗi năm tiêu thụ được khoảng 250-400 tấn quả tươi/năm. Hiện tại khả năng cung cấp Táo mèo của rừng tự nhiên tỉnh Lào Cai là khoảng 30-40 tấn/năm mới chỉ đáp ứng được 10% tổng nhu cầu quả Táo mèo tiêu thụ, số lượng còn lại chủ yếu được thu mua từ tỉnh Yên Bái. Quả Táo mèo Lào Cai tuy thơm ngon nhưng do thu hái hoàn toàn tự nhiên, mẫu mã kém, quả nhỏ, không bắt mắt đối với người tiêu dùng.
2. Nghiên cứu các đặc điểm sinh học của cây (thân, cành, lá, hoa, quả và hạt) áp dụng biện pháp kỹ thuật phục tráng cây Táo mèo đã có nhằm nâng cao năng xuất quả.
* Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học của cây Táo mèo
- Thân, cành cây: Cây gỗ bán thường xanh hay sớm rụng lá, cao 5–20 m. Các cành nhỏ màu nâu tía hay nâu đen khi già, hình trụ thon búp măng, mập, ban đầu rậm lông, khi già không lông.
- Lá cây Táo mèo: các nụ màu nâu đỏ, có lông tơ, đỉnh nhọn. Lá kèm sớm rụng, hình mác, nhỏ, đỉnh nhọn; cuống lá 0,5–2 cm, thường có lông tơ; phiến lá hình e líp hay mác thuôn dài, kích thước 3,5–8 × 1,5–2,3 cm, mỏng như giấy, lông tơ thưa thớt ở phía xa trục hay gần như không lông, phía gần trục không lông, láng, gốc lá hình nêm rộng bản hay gần như thuôn tròn, mép lá có khía tai bèo nông, hiếm khi có khía răng cưa hay chỉ nguyên ở gần đỉnh, đỉnh nhọn. Cuống ngắn hay gần như không có, có lông tơ.
- Hoa, quả, hạt Táo mèo: Hoa mọc thành chùm gồm 3–5 hoa, đường kính khoảng 2,5 cm; lá bắc hình mác. Đế hoa hình chuông, với lông tơ rậm rạp ở phía xa trục. Cánh hoa trắng, thuôn dài hay thuôn dài-hình trứng ngược, kích thước 1,2–1,6 cm × 5–9 mm. Nhị hoa khoảng 30. Vòi nhụy dài như nhị, hợp sinh và có lông tơ ở gốc. Quả táo màu vàng, hình cầu hay elipxoit, đường kính 2–3 cm, có lông tơ khi non; lá đài bền, ra hoa khoảng tháng 2-4, kết quả tháng 4-9.
* Phục tráng cây Táo mèo
- Lựa chọn đươc 100 cây tại 2 huyện Sa Pa và Bát Xát để đưa vào phục tráng; tuyển chọn được 30 cây trội được đánh dấu vị trí trên bản đồ để làm nguồn giống và theo dõi năng suất quả.
3. Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật chọn giống và nhân giống Táo mèo
- Tuyển chọn cây trội làm nguồn giốn: Qua điều tra, đánh giá đã tuyển chọn được 30 cây trội ( Xã Y Tý, Bát Xát 22 cây; San Sả Hồ, Sa Pa 08 cây ). Đây là những cây có hình thái cân đối, sinh trưởng phát triển tốt không bị sâu bệnh; tuổi cây từ 10 - 20 tuổi; quả to, sản lượng quả thu hoạch cao, chất lượng quả tốt và ra quả ổn định. Về cơ bản các cây này đáp ứng được tiêu chuẩn làm giống vì vậy chúng tôi đã tiến hành chăm sóc, bảo vệ, quản lý chặt chẽ để thu hái làm nguồn giống gieo ươm, nghiên cứu.
- Xây dựng vườn ươm nghiên cứu: Xây dựng vườn ươm cây giống tạm thời diện tích 200 m2 có hệ thống tưới phun tự động phục vụ nghiên cứu nhân giống tại Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Bắc Hà.
- Nghiên cứu các biện pháp nhân giống: Tiến hành gieo ươm 9000 cây giống tại vườn ươm phục vụ cho nghiên cứu và trồng mô hình, cây đủ tiêu chuẩn chiều cao bình quân 40 cm, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
4. Nghiên cứu kỹ thuật trồng Táo mèo
- Trồng với mật độ 800 cây/ha (cây cách cây 3 m; hàng cách hàng 4 m), cố định và thống nhất các biện pháp kỹ thuật khác như đối với mô hình trồng thâm canh.
- Bón phân theo liều lượng của CT1 là tốt nhất, cây sinh trưởng tốt, phát triển cân đối của đường kính, chiều cao, không bị non mướt. Nếu không được bón phân thì cây Táo chỉ sinh trưởng ở mức trung bình. Đối với CT2 và CT3 có biểu hiện rõ nét của thừa phân bón, cây chủ yếu phát triển chiều cao và non mướt.
- Thời vụ trồng vào tháng 8 – 10 là phù hợp nhất; khi đó đang còn là mùa mưa, khi vào mùa khô thì cây đã có thời gian sinh trưởng; tiêu chuẩn cây con đem trồng lúc này cũng phù hợp nhất.
- Ở các địa điểm nghiên cứu tỉ lệ cây sống sau trồng tương đối cao từ 86 - 97%. Trong đó tỷ lệ sống cao nhất là mô hình ở Xã Tà Chải huyện Bắc Hà tỷ lệ sống đạt 97%, tỷ lệ sống thấp nhất là mô hình ở Xã San Sả Hồ huyện Sa Pa tỷ lệ sống là 86%. Khả năng sinh trưởng của cây tốt, trung bình, xấu trong các mô hình cũng không có sự biến động nhiều, chất lượng cây tốt chiếm 60 - 65%, cây trung bình 32 - 36%, cây xấu chiếm tỷ lệ ít từ 2 - 4%.
5. Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh
- Mô hình trồng rừng thâm canh cây Táo mèo được trồng trên diện tích 03 ha (1,5 ha/2 huyện) tại 2 huyện Bắc Hà và Sa Pa mật độ 800 cây/ha trên dạng lập địa đất trống sau canh tác nương rẫy. Tiến hành theo dõi sự sinh trưởng, sâu bệnh của cây trồng.
Qua kiểm tra, theo dõi, chăm sóc mô hình trồng rừng thâm canh cây Táo mèo tại 2 huyện Bắc Hà và Sa Pa có thể đánh giá: Cây trồng ở huyện Bắc Hà sinh trưởng và phát triển tốt hơn tỉ lệ cây sống đạt 97%, cây không bị sâu bệnh gây hại, điều kiện lập địa và khí hậu tại khu vực này rất phù hợp với loài Táo mèo; cây sinh trưởng phát triển nhanh; tại Sa Pa cây sinh trưởng và phát triển chậm hơn, tỉ lệ sống đạt 93%.
IV. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
- Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay không còn rừng Táo mèo thuần loài; khu vực còn sót lại nhiều cây Táo Mèo tự nhiên nhất là tại 02 huyện Bát Xát và Sa Pa trên diện tích khoảng hơn 150.000 ha.
- Qua nghiên cứu đặc điểm sinh vật học của cây Táo mèo (thân, cành, lá, hoa, quả và hạt ...) khẳng định chỉ có một loài Táo Mèo.
- Đề tài đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống từ hạt, từ khâu thu hái, chế biến, bảo quản hạt giống, sản xuất, gieo ươm cây giống được hơn 9.000 cây, đủ lượng cây giống phục vụ cho công tác trồng rừng mô hình tại 03 huyện Bát Xát, Sa Pa và Bắc Hà. Đối với trồng rừng Táo Mèo tốt nhất vẫn là sử dụng cây giống gieo ươm từ hạt; các biện pháp nhân giống sinh dưỡng đạt kết quả nhưng chỉ có tính chất tham khảo vì cây giống sản xuất ra khó đáp ứng được các đòi hỏi thực tế của công tác trồng rừng.
2. Kiến nghị
- Cây Táo Mèo là cây bản địa của các xã vùng cao tỉnh Lào Cai; hiệu quả kinh tế, môi trường; kỹ thuật gây trồng khá rõ ràng, dễ áp dụng vì vậy đề nghị tỉnh xem xét đưa vào cơ cấu cây trồng rừng, có chính sách khuyến khích người dân phát triển cây trồng này. Đặc biệt đối với các xã vùng cao của các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương đang khó khăn về cơ cấu cây trồng cần quan tâm đến cây Táo Mèo vì loài cây này vừa có hiệu quả kinh tế, vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc rất nhanh, sau trồng 1-2 năm rừng đã khép tán.
- Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, đơn vị thực hiện đề tài đã đề xuất Quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng thâm canh cây Táo mèo, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và ban hành để làm cơ sở hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân.
- Đề tài mới được triển khai thực hiện trong hơn 2 năm; kết quả của đề tài mới là những thành công ban đầu; cây Táo Mèo là cây lâm nghiệp dài ngày, sau 4-5 năm nữa mới cho quả. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các hộ tham gia chăm sóc, theo dõi đánh giá kết quả đến khi khẳng định được thành công thực sự của đề tài./.