XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ HỘ TRỒNG MỘT SỐ CÂY DƯỢC LIỆU CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO TẠI SA PA – LÀO CAI
Cơ quan thực hiện: Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa
Thời gian thực hiện: Từ 6/2010-12/2012
Kết quả xếp loại: Khá
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai có điều kiện khí hậu thời tiết phù hợp cho việc phát triển tập đoàn cây thuốc nói chung. Đặc biệt là một số cây thuốc có giá trị tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc và có hiệu quả kinh tế. Từ những năm 1970 - 1985, Tại Sa Pa nghề trồng cây thuốc rất phát triển, điển hình như 1 số cây thuốc Bắc quý như: Đương Quy, Bạch Truật, Mộc Hương, Xuyên Khung, Đỗ Trọng, ... cung cấp một sản lượng lớn nguyên liệu làm thuốc phục vụ cho nhu cầu sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu. Chuyển sang thời kỳ mở của hội nhập kinh tế. Một số mặt hàng nông sản của Sa Pa bị thu hẹp nhanh chóng, nguyên nhân chủ yếu là do nhập khẩu tiểu ngạch từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện nay, Đảng và Nhà nước có chủ trương khuyến khích khôi phục và phát triển một số mặt hàng nông sản có tiềm năng nội lực của từng vùng khí hậu. Trong đó đối với huyện Sa Pa, dược liệu là mặt hàng được đánh giá cao và có tầm quan trọng trong việc sản xuất tạo vùng nguyên liệu làm thuốc phục vụ cho chế biến dược liệu.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP
1. Mục tiêu:
- Xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ trồng hộ trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế tại 2 xã: Sa Pả và Bản Khoang huyện Sa Pa
- Xây dựng được quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến một số loài cây dược liệu có giá trị phù hợp với điều kiện phát triển ở Sa Pa;
- Chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cho người dân nhằm nhân rộng mô hình.
2. Nội dung:
- Xây dựng mô hình trồng cây Atisô với quy mô 6 ha tại xã Sa Pả và xã Bản Khoang.
- Xây dựng mô hình trồng cây Đương Quy với qua mô 2 ha tại xã Bản Khoang.
- Xây dựng mô hình trồng cây Xuyên Khung với quy mô 2 ha tại xã Sa Pả và xã Bản Khoang.
3. Phương pháp nghiên cứu
- Tiêu chí chọn hộ gia đình trực tiếp tham gia dự án
+ Hộ gia đình nông dân trực tiếp tham gia dự án phải có các điều kiện khả thi như: Có đất đai sản xuất nông nghiệp để trồng cây thuốc của dự án, có lao động thủ công (ít nhất trong gia đình có từ 5 lao động trở lên trong lứa tuổi lao động) để trực tiếp tham gia vào các công việc như làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch. Trong gia đình không có người liên quan đến các tệ nạn xã hội (nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, ...)
+ Khu vực chọn phải thuận tiện cho việc bố trí thí nghiệm, đi lại theo dõi, chăm sóc, thuận lợi cho mọi người cùng quan sát.
- Theo dõi các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển và năng suất của từng giống, cụ thể như: Chiều dài là, chiều rộng lá, chiều cao cây, số lá/cây (Ở từng giai đoạn sinh trưởng phát triển), số hoa/cây, đường kính củ, chiều dài củ, khối lượng 10 củ (Khi chín và thu hoạch)
- Đánh giá chất lượng dược liệu của các cây sau khi thu hoạch.
- Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng trọt từng loại cây trên đất dốc, đất vườn gia đình.
Phương pháp xử lý số liệu theo dõi: Theo phương pháp thống thê trên phần mềm Excell và chương trình IRRISTAT.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Khảo sát các hộ tham gia thực hiện dự án
- Tiến hành khảo sát và lựa chọn được 9 hộ gia đình có đủ tiêu chí tham gia thực hiện dự án.
2. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật
- Tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cho 160 lượt người tham gia thực hiện dự án về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch các cây dược liệu cho nông dân thuộc 2 xã trong vùng dự án
- Tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây Actisô bao gồm nông dân ở xã Sa Pả đi tham quan vườn các hộ gia đình ở tổ 1 - thị trấn Sa Pa - huyện Sa Pa - tỉnh Lào Cai, học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây Actisô để bà con nông dân biết về hiệu quả kinh tế khi trồng cây Actisô tại hộ gia đình để nông dân tổ chức trồng vào tháng 9/2010.
- Tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm dược liệu sau thu hoạch cây Đương quy và Xuyên khung:
- Thành phần tham dự tập huấn chủ yếu là nông dân ở vùng Ô Quý Hồ và xã Bản Khoang có điều kiện khí hậu, đất đai, … để tham gia trồng cây Đương quy và Xuyên khung.
3. Xây dựng mô hình
3.1. Kết quả mô hình kinh tế hộ trồng cây Actiso
- Tiến hành trồng rồng mô hình cây Atisô với quy mô 6ha/2vụ tại 2 xã Bản Khoang và Sa Pả.
- Tổng chi/ha (tính trung bình): 130 - 135 triệu đồng/ha, bao gồm: giống ( 45 triệu đồng), phân bón (phân chuồng, NPK: 35 triệu), nhân công (làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch (lá, hoa, củ): 50 triệu đồng).
- Tổng thu/1 ha: 187.4 triệu đồng
- Lãi thuần/1 ha (trừ các chi phí và công lao động): 52,8 triệu đồng.
3.2. Kết quả mô hình kinh tế hộ trồng Đương quy
- Tiến hành trồng rồng mô hình cây Đương Quy với quy mô 2ha/2vụ tại xã Bản Khoang.
- Tổng chi/ha (tính trung bình): 159 triệu đồng, bao gồm: giống (55 triệu đồng), phân bón (phân chuồng, NPK: 55 triệu), nhân công (công làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch (củ): 49 triệu đồng).
- Tổng thu/ha (củ khô): 184 triệu đồng
- Lãi thuần/ha: 25 triệu đồng (đã trừ các chi phí và công lao động).
3.3. Kết quả mô hình kinh tế hộ trồng cây Xuyên Khung
- Tiến hành trồng rồng mô hình cây Xuyên Khung với quy mô 2ha/2vụ tại 2 xã Bản Khoang và Sa Pả.
- Tổng chi/ha (tính trung bình): 46 triệu đồng, trong đó bao gồm: giống ( 16,5 triệu đồng), phân bón (phân chuồng, NPK: 13 triệu đồng), nhân công (công làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch (củ): 16,5 triệu đồng).
- Tổng thu/ha: 61,2 triệu đồng
- Lãi thuần/ha 25,2 triệu đồng (đã trừ các chi phí và công lao động).
3.4. Hoàn thiện 3 quy trình kỹ thuật
- Đã hoàn thiện 3 quy trình kỹ thuật: Quy trình kỹ thuật trồng cây Actisô; Quy trinhkỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế cây xuyên khung; Quy trình trồng, thu hái, sơ chế cây đương quy.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
- Dự án đã thực hiện trồng 10 ha, bao gồm 3 loại cây Atiso, Đương Quy, Xuyên Khung tại xã Sa Pả và xã Bản Khoang của huyện Sa Pa.
- Giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác cao gấp 2-3 lần so với trồng cây lúa trên đất ruộng một vụ tại Sa Pa. 1 ha trồng lúa cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm bao gồm cả công lao động. Còn đối với cây dược liệu cho thu nhập trên 50 triệu đồng /ha trừ chi phí và công lao động.
- Qua kết quả nghiên cứu tại các mô hình kinh tế hộ có thể khẳng định đây là 3 loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của Sa Pa. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu phải theo quy hoạch và cần có hợp đồng tiêu thụ ổn định với đơn vị tiêu thụ sản phẩm;
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu dự án đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, thu hái sơ chế cho 3 loại cây: cây Atiso, cây Xuyên Khung, cây Đương quy, các quy trình phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Sa Pa và những vùng có khí hậu tương đồng;
- Dự án đã bước đầu tạo được nhận thức cho người dân trong việc sản xuất hàng hóa, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Bản Khoang và Sa Pả - huyện Sa Pa.
2. Kiến nghị
- Sau khi dự án được nghiệm thu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào triển khai thực hiện nhiều mô hình trồng cây dược liệu mang tính phát triển bền vững trên địa bàn huyện Sa Pa và những vùng có khí hậu giống với địa điểm thực hiện dự án như huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, ... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác.
- Đề nghị các cơ quan hữu quan của tỉnh, của huyện Sa Pa kêu gọi và mời những doanh nghiệp có năng lực đến đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho nông dân nhằm mở rộng diện tích trồng cây dược liệu và tiến tới tạo vùng sản xuất tập trung, đưa Sa Pa nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung thành vùng cung cấp sản phẩm cây dược liệu lớn cho các nhà chế biến dược liệu trong và ngoài tỉnh./.